post
Công nghệ
Giáo dục
1087

Lừa đảo trên mạng: Những thủ đoạn tinh vi & cách phòng tránh

Trong thời đại số hóa ngày nay, trẻ em có nhiều cơ hội được tiếp xúc với những ý tưởng mới, nền văn hóa mới và liên tục được cập nhật những thông tin mới từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng việc dễ dàng được tiếp cận với những trải nghiệm mới này thông qua Internet cũng đồng nghĩa với việc trẻ đứng trước nguy cơ bị những kẻ xấu lạm dụng, lừa đảo trên mạng. Phụ huynh cần làm gì để giúp trẻ tránh khỏi những nguy hiểm rình rập trên mạng? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của MindX nhé!

Các thủ đoạn lừa đảo trên mạng phổ biến

Dưới đây là những hình thức lừa đảo phổ biến mà trẻ em thường gặp khi tiếp xúc với không gian mạng, cùng với các biện pháp đề phòng tương ứng.

 

1. Lừa đảo qua email

Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là thông qua email. Kẻ gian thường giả danh những tổ chức uy tín và gửi đi những thông báo yêu cầu người nhận cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng. Đôi khi, những email này được thiết kế tinh vi với hình thức và ngôn ngữ chính thống, khiến người nhận, đặc biệt là trẻ nhỏ không thể phân biệt được là thật hay giả.

 

Thủ đoạn lừa đảo qua email có thể dẫn đến việc làm lộ thông tin cá nhân quan trọng, từ tên đăng nhập và mật khẩu đến thông tin tài chính. Điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cả về vật chất và tinh thần của trẻ lẫn những người thân trong gia đình.

 

Lừa đảo trên mạng qua email

 

2. Lừa đảo qua điện thoại

Các cuộc gọi điện thoại giả danh cũng là một trong những hình thức lừa đảo trẻ em mà phụ huynh cần hết sức chú ý. Kẻ gian sẽ gọi qua số máy bàn trong gia đình hoặc gọi trực tiếp vào số điện thoại cá nhân của trẻ để thực hiện các hành vi lừa đảo. 

 

Chúng thường lợi dụng sự ngây thơ và non nớt của các bé để bịa đặt các thông tin sai lệch, nhấn mạnh về tính khẩn cấp, thuyết phục trẻ em cung cấp thông tin cá nhân. Một số kẻ thậm chí còn dụ dỗ trẻ em lấy trộm tiền, tài sản của ba mẹ để đưa cho chúng.

 

3. Lừa đảo qua mạng xã hội

Lừa đảo trẻ em qua mạng xã hội là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và đáng lo ngại. Đây là hình thức xâm hại trực tuyến mà những kẻ xấu sử dụng mạng xã hội để tiếp cận, lừa đảo và gây hại cho trẻ em. Chúng có thể tạo ra các tài khoản giả mạo hoặc trực tiếp sử dụng các tài khoản có thật để làm quen, từng bước lấy lòng tin của trẻ và lừa gạt trẻ để lấy được thông tin cá nhân. 

 

Việc tiếp xúc với những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội có thể khiến trẻ bị thao túng tâm lý, kích động tinh thần, gây ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của trẻ trong cuộc sống thường ngày.

 

Vừa qua, Công an tỉnh Tây Ninh đã nhận được thông tin phản ánh của em Trịnh Thanh T (ngụ thành phố Tây Ninh, học sinh lớp 7) về việc mình bị các đối tượng lừa tiền khi tham gia đăng ký nhận thưởng trên mạng xã hội Facebook.

 

Cụ thể, ngày 7/10/2023, em T. thấy một tài khoản tên “Anh” nhắn với nội dung “Xin chúc mừng bạn, bạn đã trúng iPhone 14 Pro Max 256GB tại minigame bạn vui lòng cho mình xin thông tin để nhận quà”, T. tin tưởng nên cho họ tên, địa chỉ, số điện thoại với mong muốn được nhận quà.

 

Khi có được thông tin cá nhân theo yêu cầu, đối tượng gửi hình mẫu của chiếc iphone rồi bảo T. chọn màu theo sở thích, rồi yêu cầu T. phải nộp 200 ngàn đồng bằng thẻ cào điện thoại để công ty làm thủ tục xuất hoá đơn thì mới được nhận máy miễn phí. Tin lời, T. đã dùng tiền ăn sáng của mình để mua thẻ cào điện thoại nộp cho đối tượng.

 

Sau đó, đối tượng yêu cầu nộp thêm tiền cọc 500 ngàn đồng và khi họ giao điện thoại sẽ trả lại tiền này cho T, còn nếu không đóng thì sẽ không nhận được máy. Lúc này T. nói không có tiền thì bị đối tượng thúc ép kêu đi vay mượn bạn bè, người thân để chuyển tiền (Nguồn: Báo Công an Nhân dân).

 

4. Lừa đảo qua website

Kẻ gian thường tạo ra các trang web giả mạo với mục đích thu thập thông tin cá nhân hoặc tài chính của trẻ em. Những trang web này thường được thiết kế rất giống với các trang web chính thống. Nếu không nhận biết được trang web giả mạo, trẻ có thể vô tình cung cấp các thông tin quan trọng, tạo điều kiện cho những kẻ lừa đạo thực hiện mưu đồ bất chính của mình.

 

Lừa đảo trên mạng qua website

 

5. Lừa đảo qua ứng dụng

Các ứng dụng cũng có thể trở thành một nơi tiềm ẩn của các hành vi lừa đảo. Kẻ gian thường tạo ra các ứng dụng giả mạo hoặc trú ngụ trong các các ứng dụng sẵn có để tiếp cận trẻ em. 

 

Việc trẻ truy cập vào các ứng dụng chơi game hoặc giải trí mà không có sự giám sát của phụ huynh có thể tạo cơ hội cho những kẻ có ý định xấu. Lợi dụng sự cả tin của trẻ em, những kẻ lừa đảo sẽ dụ dỗ, thuyết phục các em gửi hình ảnh hoặc video riêng tư, sau đó sử dụng nó để đe dọa và tống tiền.

 

6. Lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử

Các sàn thương mại điện tử cung cấp một môi trường trực tuyến để giao dịch sản phẩm và dịch vụ, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho kẻ xấu tiếp cận, lừa dối và gây hại cho người mua. Trẻ em ngày nay được sử dụng các thiết bị điện tử từ sớm nên cũng được tiếp xúc nhiều với các hoạt động mua hàng trực tuyến có thể gây ra những tác hại khôn lường.

 

Khi trẻ cố gắng mua hàng trực tuyến, những kẻ xấu có thể rao bán hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hàng không đúng mô tả với mức giá thấp để thực hiện hành vi lừa đảo. Đồng thời, khi trẻ nhập các phần thông tin thanh toán mua hàng có thể vô tình làm lộ những dữ liệu quan trọng như tên, địa chỉ nhà, số điện thoại, tài khoản ngân hàng,...

 

Lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử

Cách phòng tránh lừa đảo trên mạng

Đứng trước những thủ đoạn lừa đảo trên mạng trực tuyến, ba mẹ cần giáo dục trẻ kỹ năng bảo vệ mình khi sử dụng Internet. Đây cũng là một trong những điều quan trọng giúp ba mẹ nuôi dạy con đúng cách trong thời đại 4.0.

 

1. Nâng cao nhận thức về an ninh mạng

Đầu tiên và quan trọng nhất, trẻ em cần được giáo dục về các nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng internet. Ba mẹ cần hướng dẫn trẻ cách xử lý khi gặp phải các yêu cầu kỳ lạ, đặc biệt phải hết sức tỉnh táo khi nói chuyện với người lạ qua điện thoại, email, mạng xã hội hay bất kỳ ứng dụng trò chuyện nào.

 

Trẻ cần nhận biết được các hình thức lừa đảo phổ biến như giả danh, gửi tin nhắn gian lận hoặc các trò lừa đảo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Ba mẹ nên cho trẻ đọc thêm các bài báo, xem các video tin tức về nội dung này để hiểu được tính nghiêm trọng của vấn đề.

 

Nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho trẻ

 

2. Kiểm tra thông tin kỹ trước khi giao dịch

Khi trẻ em có ý định mua hàng hoặc tham gia giao dịch trực tuyến, ba mẹ cần yêu cầu con kiểm tra kỹ về nguồn gốc của trang web hoặc ứng dụng mà con đang sử dụng. Ngoài việc giám sát, phụ huynh nên hướng dẫn con cách kiểm tra tính hợp pháp và độ tin cậy của các trang web mua sắm. Ba mẹ nên liên tục nhắc nhở con tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và tiến hành giao dịch trên các nền tảng có dấu hiệu khác thường.

 

Dưới đây là một số dấu hiệu của một website uy tín:

  • Tên miền rõ ràng: Tên miền của website phải rõ ràng, dễ nhớ và dễ nhận biết.
  • Địa chỉ URL đầy đủ: Địa chỉ URL của website phải đầy đủ, bao gồm tên miền và phần mở rộng.
  • Thông tin liên hệ rõ ràng: Website phải cung cấp đầy đủ thông tin liên hệ, như: địa chỉ, số điện thoại, email,...
  • Giao diện website chuyên nghiệp: Giao diện website phải được thiết kế một cách chuyên nghiệp, dễ sử dụng và thân thiện với người dùng.
  • Nội dung website chính xác, đầy đủ: Nội dung website phải chính xác, đầy đủ và được cập nhật thường xuyên.
  • Tiêu chuẩn bảo mật cao: Website phải được bảo mật bằng các công nghệ hiện đại để bảo vệ thông tin của người dùng.

 

Ngoài ra, phụ huynh và trẻ cũng có thể tham khảo một số dấu hiệu sau để nhận biết một website uy tín:

  • Website được đánh giá cao trên các trang đánh giá: Bạn có thể tham khảo đánh giá của người dùng trên các trang đánh giá uy tín để có thêm thông tin về website.
  • Website được đề cập trên các trang báo chí, truyền thông chính thống: Nếu website được đề cập trên các trang báo chí, truyền thông chính thống thì đó là một dấu hiệu tốt cho thấy website uy tín.
  • Website được liên kết với các website uy tín khác: Nếu website được liên kết với các website uy tín khác thì đó cũng là một dấu hiệu tốt.

3. Sử dụng các công cụ bảo mật

Để tránh khỏi nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần biết cách sử dụng các công cụ bảo mật như mật khẩu mạnh, mã PIN và các cài đặt bảo mật khác trên tài khoản của mình. 

 

Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể giúp trẻ cài đặt các phần mềm diệt virus và tường lửa (firewall) trên thiết bị của mình để ngăn chặn các phần mềm độc hại và tấn công từ internet. Hãy chắc chắn rằng phần mềm này được cập nhật thường xuyên để đảm bảo khả năng phát hiện các mối đe dọa mới nhất.

 

4. Sử dụng mật khẩu mạnh và xác thực 2 lớp

Đầu tiên, phụ huynh cần giải thích cho trẻ tại sao việc kích hoạt xác thực 2 lớp là một biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ tài khoản trực tuyến. Việc sử dụng mật khẩu mạnh và độc nhất cho tài khoản trực tuyến của mình là một biện pháp quan trọng để bảo vệ thông tin cá nhân. 

 

Tiếp đến, ba mẹ hãy cung cấp cho trẻ em hướng dẫn cụ thể về cách tạo mật khẩu mạnh. Mật khẩu nên chứa cả chữ cái viết hoa, chữ cái viết thường, số và ký tự đặc biệt và nên có độ dài tối thiểu là 8 ký tự. Dưới đây là một số ví dụ về mật khẩu mạnh:

 

“!@#$%^&*()QWERTYUIOPASDFGHJKLZXCVBNM"

"HappinessIsLikeARainbow$124"

"ILoveMyDoG@111"

 

Sử dụng mật khẩu mạnh và xác thực 2 bước

 

5. Đề phòng với các tin nhắn, email và cuộc gọi điện lạ

Trẻ em cần được giáo dục rằng không nên mở bất kỳ tin nhắn, email hoặc cuộc gọi nào từ những nguồn không rõ ràng. Khi không có mặt cha mẹ và người thân, trẻ cần có ý thức cảnh giác cao độ trong việc chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ, hoặc thông tin tài khoản. Nếu nhận được các tin nhắn, email hay cuộc gọi chứa thông tin hoặc yêu cầu kỳ lạ, trẻ em cần lập tức báo với người lớn để được hỗ trợ kịp thời.

 

6. Cẩn trọng khi nhấp chuột vào liên kết hoặc mở tập tin lạ

Khi trẻ mới bắt đầu sử dụng Internet để học tập, giải trí, ba mẹ cần giúp trẻ hiểu rõ về nguy cơ liên quan đến việc nhấp chuột vào các liên kết không rõ nguồn gốc hoặc mở tập tin đính kèm từ các nguồn không tin cậy. Trẻ cũng nên biết cách kiểm tra tên và phần mở rộng của tập tin (ví dụ: .pdf, .jpg) để đảm bảo rằng nó không phải là một tập tin độc hại.

 

Trong trường hợp đang sử dụng máy tính, điện thoại và vô tình nhấp vào các liên kết có dấu hiệu bất thường, trẻ cần lập tức dừng lại và yêu cầu sự hướng dẫn từ người lớn. Điều này có thể ngăn chặn những kẻ xấu cài đặt phần mềm độc hại trên thiết bị cá nhân của trẻ.

 

7. Cập nhật phần mềm sử dụng lên bản mới nhất

Một điểm quan trọng trong việc giúp trẻ phòng tránh lừa đảo trên mạng mà ba mẹ cần chú ý là phải liên tục cập nhật phần mềm con đang sử dụng lên bản mới nhất. Khi trẻ lớn dần lên, phụ huynh có thể trực tiếp hướng dẫn con về quy trình này. Việc duy trì phiên bản mới nhất giúp đảm bảo rằng các lỗ hổng bảo mật đã được vá lỗi.

 

8. Cảnh giác với những hứa hẹn lợi nhuận cao (ít hoặc không có rủi ro)

Ba mẹ cần giúp trẻ hiểu rằng trong cuộc sống thực tế, rất khó để có thể đảm bảo lợi nhuận cao mà không có bất kỳ rủi ro nào. Con cần biết rằng sự tò mò là điều tốt, nhưng đôi khi cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tin vào một cơ hội quá hấp dẫn. Quan trọng nhất, con cần hỏi ý kiến của người lớn trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến tiền bạc để tránh khỏi nguy cơ bị lừa đảo trên mạng.

 

Cảnh giác với những lời hứa hẹn lợi nhuận cao

 

9. Nghi ngờ bất kỳ công việc nào yêu cầu trả tiền trước

Những công việc yêu cầu thanh toán trước thường tiềm ẩn một số rủi ro. Chính vì vậy, điều đầu tiên và điều quan trọng nhất, ba mẹ hãy giải thích cho trẻ rằng tiền bạc được làm ra từ công sức và sự nỗ lực của mỗi người nên cần phải sử dụng nó một cách khôn ngoan để không lãng phí. Khi ý thức được sự quý giá của tiền bạc, trẻ sẽ tự động có sự cân nhắc khi gặp những trường hợp yêu cầu trả tiền trước và tránh khỏi lời dụ dỗ của những kẻ lừa đảo. 

 

Bằng việc trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết, phụ huynh sẽ giúp con em của mình đảm bảo an toàn trên không gian mạng. Đồng thời, việc thúc đẩy sự giao tiếp, tin tưởng giữa trẻ em và người lớn là vô cùng cần thiết. Không điều gì quan trọng hơn việc trẻ cảm thấy thoải mái để chia sẻ mọi thắc mắc và lo ngại của mình.

 

Ba mẹ và người lớn hãy luôn lắng nghe và hỗ trợ trẻ em trên hành trình trẻ khám phá Internet, tránh cho trẻ gặp phải những nguy cơ lừa đảo trên không gian mạng. Chúng ta hãy cùng nhau tạo ra một môi trường an toàn, lành mạnh và đầy tri thức cho sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai. Ba mẹ hãy đăng ký nhận bản tin từ MindX để trang bị cho mình các kiến thức nuôi dạy con tốt hơn trong thời đại công nghệ 4.0 nhé!

Đánh giá bài viết

0

0/5 - 0 lượt bình chọn
lừa đảo trên mạng
Khóa học liên quan
Đăng ký nhận bản tin
Đăng ký ngay để nhận tin tức và tài liệu mới nhất về công nghệ