post
Công nghệ
Giáo dục
4591

Digital Art là gì? 3 tố chất & cơ hội nghề nghiệp ngành Digital Art

Digital Art là một lĩnh vực nghệ thuật phát triển nhanh chóng trong thời đại công nghệ số. Với sự kết hợp giữa sự sáng tạo và công nghệ số, Digital Art đã mở ra những cánh cửa mới cho các nghệ sĩ và những người đam mê nghệ thuật. Vậy Digital Art là gì? Cơ hội nghề nghiệp như thế nào? (*Ghi chú: Digital Painting là một dạng của Digital Art.)

Digital Art là gì?

Digital Art (nghệ thuật số) là một thuật ngữ đề cập đến việc sử dụng công nghệ số và các thiết bị điện tử để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Các họa sĩ sử dụng các công cụ như máy tính, máy ảnh kỹ thuật số, bảng vẽ điện tử, phần mềm đồ họa và các thiết bị khác để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật số thay vì bút và giấy.

 

Các tác phẩm Digital Art có thể bao gồm hình ảnh số, video, âm nhạc, hoạt hình, hoặc một sự kết hợp của các yếu tố này. Digital Art đang trở nên ngày càng phổ biến và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ giải trí đến quảng cáo và cả trong nghệ thuật truyền thống.

Lịch sử hình thành của ngành mỹ thuật số

Digital Art tồn tại từ những năm 60 của thế kỷ trước, thậm chí có nhiều người còn cho rằng khởi nguồn là vào những năm 50 - thời điểm ra đời của máy tính. Tuy nhiên, nghệ thuật số thực sự đã trở nên phổ biến vào những năm 1980, khi James Faure Walker - một họa sĩ đã kết hợp những tác phẩm của mình và máy tính hay Frieder Nake - một hoa sĩ, một nhà toán học người Đức đã tạo ra thuật toán máy tính và cho phép máy tính vẽ các khối hình.

 

Lịch sử hình thành của ngành mỹ thuật số

 

Một số giai đoạn quan trọng trong lịch sử hình thành nghệ thuật số có thể kể đến như:

  • Máy tính đồ họa (1960 - 1970): Đây là giai đoạn, các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu bắt đầu sử dụng máy tính để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên. Tuy nhiên khả năng biểu đạt và chất lượng của tác phẩm vẫn còn tương đối bị hạn chế. Những bức tranh được ra đời vào thời điểm này, nổi bật nhất có thể kể đến tác phẩm “Computer Nude” của Kenneth Knowlton và Leon Harmon.
  • Máy tính cá nhân và phần mềm đồ họa (1980 - 1990): Trong giai đoạn này, máy tính cá nhân như Apple II, IBM PC,... trở nên phổ biến hơn, tính năng cũng được cải thiện. Cùng với đó là sự thành lập của Adobe Systems vào năm 1982 và phát triển phần mềm đồ họa như Adobe Photoshop và Adobe Illustrator đã mở ra một thế giới mới cho nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm số.
  • Internet và kỹ thuật số hóa (1990 - 2000): Sự phổ biến của internet đã đóng vai trò quan trọng và mở ra cánh cửa kết nối toàn cầu. Các nền tảng, trang web nghệ thuật trực tuyến như DeviantArt (2000), Behance (2006) giúp cho các họa sĩ tìm kiếm ra nhiều cơ hội cho bản thân.
  • Nghệ thuật tương tác và đa phương tiện (2000 - đến nay): Với sự phát triển của công nghệ và phần mềm tiên tiến, nghệ thuật số đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Nghệ thuật tương tác, nghệ thuật sống động (motion graphics), nghệ thuật 3D,... đã trở thành phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp sáng tạo.

Digital Art có ưu điểm và hạn chế nào?

Ưu điểm và nhược điểm của Digital Art

 

Ngành Digital Art có những ưu điểm và nhược điểm như sau:

Ưu điểm:

  • Hiệu ứng màu sắc sống động: Với Digital Art, màu sắc được tạo ra trực tiếp mà không phụ thuộc vào ánh sáng tự nhiên. Bạn có thể sử dụng công cụ chuyển màu, ánh sáng, gradient,... để tạo ra những bức tranh truyền đạt thông điệp của mình, đem lại cảm giác chân thực và sống động cho người xem trong mọi điều kiện ánh sáng.
  • Sáng tạo không có giới hạn: Nghệ thuật số có thể mở ra không gian sáng tạo vô tận bằng cách sử dụng các công cụ và phần mềm thiết kế đồ họa, để thực hiện những ý tưởng cũng như tác phẩm nghệ thuật đa dạng, độc đáo.
  • Tiết kiệm nhân lực, thời gian so với vẽ truyền thống: Với vẽ truyền thống, bạn sẽ cần phải chuẩn bị các dụng cụ vẽ và tìm kiếm vật liệu nghệ thuật như bút chì, màu sơn, giấy,... Ngược lại, Digital Art chỉ cần một chiếc bảng vẽ và bút vẽ điện tử để bắt đầu sáng tạo. Không chỉ vậy, bạn còn có thể lưu trữ và quản lý một cách dễ dàng, tiện lợi.
  • Chia sẻ và bảo vệ tác phẩm Digital Art trở nên dễ dàng: Digital Art cho phép bạn tạo bản sao dự phòng của tác phẩm một cách dễ dàng và hiệu quả. Bạn có thể lưu trữ tác phẩm trong nhiều ổ đĩa và thiết bị lưu trữ điện tử để đảm bảo rằng chúng không bị mất hoặc hư hỏng. Nếu xảy ra sự cố với tác phẩm gốc, bạn có thể khôi phục từ bản sao dự phòng mà không mất đi tác phẩm hoặc phải tạo lại từ đầu. Ngoài ra, bạn có thể chia sẻ tác phẩm của mình với mọi người thông qua các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội và trang web cá nhân cho phép bạn tải lên và chia sẻ tác phẩm với một số lượng lớn khán giả.

Nhược điểm:

  • Chi phí đắt đỏ: Một trong hạn điểm chính của Digital Art đó là bạn phải bỏ ra nhiều tiền bạc để mua các thiết bị như máy tính, bảng vẽ, bút cảm ứng,... hay các phần mềm liên quan.
  • Mất đi sự độc đáo: Do sự phổ biến và tiện ích của công nghệ kỹ thuật số, các công cụ và phần mềm Digital Art có sẵn cho tất cả mọi người. Điều này có thể dẫn đến việc tác phẩm digital art trông giống nhau. Ngoài ra, việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm hiện cũng chưa có công văn chính thức, vì thế, các tác phẩm được sinh ra có thể bản sao của tác phẩm khác mà chỉ khác biết một chút.
  • Thiếu cái “hồn” và cảm xúc trong các tác phẩm: Mặc dù có nhiều công cụ và hiệu ứng để thay đổi màu sắc, ánh sáng và kết cấu trong tác phẩm Digital Art, nhưng chúng không thể tái hiện chính xác các kỹ thuật truyền thống như sử dụng bút chì mềm để tạo hiệu ứng ánh sáng và bóng đổ hay thể hiện đúng được đặc trưng trong phong cách, kỹ thuật của họa sĩ. Nguyên nhân của điều này là đến từ sự cứng nhắc và hạn chế của công nghệ số.
  • Phụ thuộc vào kỹ thuật và công nghệ: Digital Art đòi hỏi họa sĩ phải thạo công nghệ và kỹ thuật sử dụng phần mềm vẽ và thiết bị kỹ thuật số. Nếu máy tính, bảng vẽ hoặc các phần mềm không hoạt động đúng cách hoặc gặp sự cố, nghệ sĩ có thể gặp khó khăn trong việc tạo và chỉnh sửa tác phẩm. Hơn nữa, các công nghệ và phần mềm có thể cũ nhanh chóng và không tương thích với các phiên bản mới, đòi hỏi người dùng phải thường xuyên cập nhật và thích ứng.

Học Digital Art cần có những tố chất gì?

1. Năng khiếu/kỹ năng vẽ

Tuy rằng để học Digital Art không nhất thiết cần phải có khả năng vẽ nhưng về cơ bản nó vẫn rất quan trọng, thậm chí là lợi thế rất hơn:

  • Áp dụng các nguyên tắc nghệ thuật: Việc hiểu về cấu trúc hình dạng, màu sắc, ánh sáng, bóng đổ và một loạt các yếu tố nghệ thuật khác là cực kỳ quan trọng. Bởi bạn sẽ làm việc với các công cụ và phần mềm dựa trên mô hình 3D hình học không gian. Ngoài ra, khi bạn đã nắm vững kỹ thuật vẽ, bạn có thể dễ dàng thể hiện các yếu tố như gương mặt, cơ thể, chuyển động và các chi tiết khác một cách chính xác và tự nhiên.
  • Mở rộng khả năng sáng tạo: Khi đã có nền tảng, dù bạn đang sử dụng bút vẽ, bảng vẽ kỹ thuật số hay phần mềm chỉnh sửa hình ảnh thì dễ dàng và có thể tự tin khám phá và áp dụng các phong cách và kỹ thuật khác nhau vào tác phẩm của mình để tạo ra những tác phẩm độc đáo và thu hút.

2. Sáng tạo

Digital Art là một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và ý tưởng đổi mới liên tục, không ngừng khám phá và áp dụng các phong cách nghệ thuật và công nghệ mới để tạo ra tác phẩm độc đáo và thu hút. Sự sáng tạo cũng là động lực để bạn vượt qua giới hạn, gây ra ấn tượng mạnh với khán giả, khách hàng của bạn.

 

Sự sáng tạo trong nghệ thuật số có thể bao gồm việc chọn chủ đề, sử dụng màu sắc và ánh sáng một cách mới mẻ, kết hợp các yếu tố đồ họa và tương tác để tạo ra trải nghiệm độc đáo. Đồng thời nó cũng bao gồm khả năng tư duy, khả năng nắm bắt và phong cách thể hiện.

 

Để phát triển sự sáng tạo, bạn có thể tìm hiểu, nghiên cứu những điều mới mẻ để tạo ra nguồn cảm hứng như văn hóa truyền thống, thiên nhiên, phim ảnh, âm nhạc, xu hướng nghệ thuật mới,...

 

3. Tầm nhìn/đôi mắt nghệ thuật

Đôi mắt nghệ thuật

 

Đây cũng là một yếu tố khá cần thiết, bởi nó giúp:

  • Sự nhạy bén về mỹ thuật: Cho phép nhìn nhận tác phẩm nghệ thuật một cách sâu sắc. Bằng cách phân tích các yếu tố như màu sắc, cấu trúc, hình dạng cảm xúc hay các yếu tố liên quan đến thị giác như sắc thái, độ tương phản,... bạn có thể hiểu rõ hơn và tái hiện các yếu tố này một cách chính xác để truyền đạt thông điệp nghệ thuật. Để từ đó nâng cao khả năng tự đánh giá và phát triển cá nhân.
  • Phát triển ý tưởng và sáng tạo: Với một đôi mắt nghệ thuật sẽ khiến bạn nhìn thấy một thế giới xung quanh khác biệt. Nó cũng khuyến khích sự sáng tạo bởi việc tạo ra những ý tưởng mới và đột phá trong Digital Art.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tầm nhìn và đôi mắt nghệ thuật có thể được phát triển và cải thiện thông qua việc học và thực hành. Bằng cách nắm bắt các nguyên tắc nghệ thuật và rèn luyện kỹ năng, bạn có thể trở thành một nghệ sĩ Digital Art thành công.

 

Để trở thành một nghệ sĩ Digital Art thực thụ và thành công, ngoài những tố chất ở trên, bạn cũng cần nên có một vài thứ khác như kiên nhẫn, liên tục học hỏi, kiến thức về nghệ thuật, kiến thức về công nghệ hay đam mê, khéo léo và tinh tế trong việc thể hiện.

Học Digital Art có thể làm được những công việc gì?

Như đã nói ở trên thì cuộc cách mạng 4.0 với sự ra đời của máy tính đã mở ra một kỉ nguyên mới, bao trùm lên các lĩnh vực cũ và những ngành nghề mới. Các tác phẩm nghệ thuật không chỉ gói gọn trên giấy mà còn được thể hiện trên cũng thiết bị công nghệ. Sau khi trở thành một Digital Art, bạn hoàn toàn có thể tự tin thể hiện mình ở những nghề nghiệp và nhận về thù lao xứng đáng. Thậm chí, mức thu nhập sẽ còn lớn hơn nữa nếu tay nghề và trình độ của bạn cao.

 

1. Họa sĩ

Họa sĩ

Bạn vẫn là một họa sĩ, tuy nhiên bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn như:

  • Họa sĩ minh họa: Bạn có thể làm việc như một họa sĩ minh họa chuyên nghiệp, tạo ra các hình ảnh minh họa cho sách, báo, tạp chí, trang web và các dự án sáng tạo khác.
  • Họa sĩ concept phim hoạt hình, game: Trong ngành công nghiệp phim hoạt hình và game, họa sĩ concept đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các ý tưởng và thiết kế ban đầu cho nhân vật sao cho phù hợp nhất với cốt truyện. Đương nhiên, bạn cần có kiến thức về kỹ thuật đồ họa 2D và/hoặc 3D, cùng với khả năng sử dụng các công cụ và phần mềm đồ họa như Photoshop, Illustrator, Blender, hoặc Maya.
  • Vẽ truyện tranh: Digital Art cung cấp cho bạn khả năng tạo ra truyện tranh sống động và chất lượng cao. Bạn có thể sử dụng công cụ Digital Art để vẽ và tạo các trang truyện tranh, từ việc thiết kế nhân vật, môi trường, cảnh quan đến xử lý màu sắc và chi tiết. Bạn có thể tự do làm việc hoặc là kết hợp với các nhà sản xuất, nhà xuất bản.

2. Thiết kế mỹ thuật đa phương tiện

Thiết kế mỹ thuật đa phương tiện là quá trình tạo ra các tác phẩm đồ họa sử dụng trên nhiều phương tiện đa khác nhau như hình ảnh, âm thanh, video, hoạt hình,... Tuy nhiên, nó đòi hỏi kỹ năng sáng tạo, kiến thức về phần mềm đồ họa công nghệ khá cao.

 

Thiết kế đồ họa multimedia được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, giáo dục, giải trí và truyền thông xã hội. Nó thường được sử dụng để tạo ra các trang web tương tác, trò chơi điện tử, ứng dụng di động, bộ truyện tranh số, video trực tuyến, bài giảng trực tuyến và nhiều loại nội dung đa phương tiện khác.

 

Nếu muốn hoạt động tại lĩnh vực này, bạn không nhất thiết phải làm việc trong các công ty thiết kế, mà có thể làm Freelance và nhận các job làm tại nhà.

 

3. Thiết kế giao diện người dùng (UI) và trải nghiệm người dùng (UX)

Thiết kế giao diện người dùng

 

Có thể nói, trong những năm gần đây, UI/UX đang là xu hướng trong Digital Art:

  • Thiết kế giao diện người dùng (UI - User Interface Design): UI là quá trình tạo ra giao diện và tương tác giữa người dùng và sản phẩm, ví dụ như một trang web, ứng dụng di động hoặc phần mềm.
  • Trải nghiệm người dùng (UX - User Experience): UX là quá trình tạo ra trải nghiệm tổng thể của người dùng khi tương tác với sản phẩm hoặc dịch vụ.

 

UI và UX đều thường được liên kết chặt chẽ với nhau trong công việc. Vì thế bạn cần hiểu về nguyên tắc thiết kế UI/UX, khả năng tạo ra các khung nhìn, nút bấm, icon, hình ảnh, và các yếu tố khác để đảm bảo trải nghiệm người dùng tốt. Các công cụ phổ biến trong lĩnh vực này bao gồm Sketch, Figma, Adobe XD, và InVision. Đương nhiên mức lương cho công việc này cũng khá cao.

 

Có thể nói, Digital Art đã mở rộng ranh giới về nghệ thuật, tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng và tiềm năng. Bạn hoàn toàn có thể tự do theo đuổi công việc mình yêu thích thông qua Digital Art nếu có kỹ năng vẽ tốt trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Và chúc bạn luôn thành công trên con đường mình đã chọn!

Đánh giá bài viết

0

0/5 - 0 lượt bình chọn
Đăng ký nhận bản tin
Đăng ký ngay để nhận tin tức và tài liệu mới nhất về công nghệ