“Lập trình viên làm gì ngoài viết code?” là câu hỏi “hại não” mà các bạn học sinh cấp 3 hoặc những người chuẩn bị vào nghề luôn tò mò. Vậy thì hãy cùng phá đảo thế giới lập trình viên với những điều được bật mí dưới đây. Hãy xem lập trình viên làm gì khi rời xa vòng tay của Code nhé. Đúng là với lập trình viên code là thứ tồn tại duy nhất nhưng những công việc liên quan khác cũng rất quan trọng. Ví dụ như nghề giáo viên, việc giảng bài là chính nhưng bên cạnh đó là những công việc khác như soạn giáo án, chấm bài,...
Lập trình là một nghề đòi hỏi người lập trình viên phải tự học và tự mày mò rất nhiều bởi kiến thức về lập trình rất mênh mông và công nghệ thì không phải lúc nào cũng dậm chân tại chỗ. Lập trình viên làm gì với khối lượng kiến thức đồ sộ đó? Nếu bạn xác định học để làm lập trình viên thì bạn nên rèn luyện khả năng tự học ngay từ bây giờ. Nếu bạn muốn tốn nhiều tiền, ghét đi lại nắng nôi và ngồi điều hòa thì học Online là lý tưởng nhất . Trên các trang như Coursera, Udemy, Pluralsight luôn có các khóa học cung cấp những kiến thức mới và cập nhật nhất về thế giới công nghệ.
Tham gia các khóa bổ trợ buổi tối tại các trung tâm cũng là một cách tự học. Với các bạn cấp 3 thì nên học về những điều căn bản về Công nghệ thông tin để đỡ bỡ ngỡ khi vào chương trình học. Các bạn có thể tham khảo tại đây. Việc tham gia các sự kiện cũng là một cách để xem lập trình viên làm gì trong thế giới công nghệ. Đồng thời đây là cơ hội học hỏi thêm những kiến thức ngoài sách vở. Hàng năm Hà Nội có rất nhiều sự kiện công nghệ diễn ra như GDayX, Vietnam Mobile Day,... Các bạn cấp 3 chưa biết tới các sự kiện này thì có thể tham khảo ở các trang như YBOX, TicketBox,... Ngoài việc học để tích lũy kiến thức chuyên môn thì những kiến thức xã hội cũng rất quan trọng. Các bạn nên đọc báo mạng ít nhất 2-3 lần 1 tuần để cập nhật những chuyển biến của xã hội thay vì chơi. Không có một chút kiến thức xã hội nào là cũng khá nguy hiểm. Các bạn có còn nhớ cô kỹ sư công nghệ bị ném đá trên “Ai là triệu phú” vì không biết cua nấu với rau gì chưa? Chúng ta không cần phải biết quá nhiều thứ nhưng chúng ta cần biết những cái gần gũi với cuộc sống xung quanh mình.
Đừng nghĩ là làm lập trình viên chỉ có ôm khư khư cái máy tính cả ngày. Nhiều lúc các lập trình viên còn phải trao đổi công việc thậm chí có những cuộc “cãi nhau” nảy lửa không phân thắng bại. Đó là những lúc teamwork. Lập trình viên làm gì trong trường hợp này?
Các bạn học cấp 3 lên Đại học rất yếu kỹ năng Teamwork vì chúng ta quen với việc học và kiểm tra độc lập. Ít có những buổi thảo luận tập thể hay làm việc nhóm. Vậy nên các bạn hãy cố gắng rèn luyện kỹ năng Teamwork bằng cách cùng đưa ra 1 ý tưởng và cùng nêu lên cách giải quyết nó. Ví dụ: Bạn thấy lớp học sau mỗi buổi đều rất bẩn. Các bạn hãy tìm cách khắc phục và phân công công việc cho từng người và thực hiện xem kết quả thế nào.
Điều khó tin nhưng có thật. Đó là dù công việc không liên quan đến chuyện phải nói nhiều nhưng lập trình viên vẫn phải thuyết trình và thuyết trình rất rất nhiều. Thế nên các bạn hãy chấp nhận sự thật này đi. Sau khi hoàn thành project, các lập trình viên sẽ có bước trình bày về project của mình để ban chuyên môn của công ty xem xét tính khả thi và tiến độ của dự án.
“Thuyết trình” là từ không hề có trong từ điển của rất nhiều lập trình viên. Điều đó dẫn đến ý tưởng của bạn có bay bổng đến đâu thì người nghe cũng sẽ như “vịt nghe sấm” thậm chí ngủ gật và không hiểu mô tê gì cả. Ví dụ bạn có 1 ý tưởng vô cùng vĩ đại nhưng vì khả năng diễn đạt kém, mọi người sẽ không lĩnh hội được cái sự vĩ đại trong ý tưởng của bạn. Thậm chí, bỏ qua một cách không thương tiếc. Lập trình viên làm gì không quan trọng, quan trọng là mọi người có hiểu ý tưởng của bạn không. Vậy, lập trình viên làm gì để cải thiện khả năng diễn đạt? Các bạn cấp 3 từ hôm nay hãy chăm chỉ lên bảng thuyết trình, khi có cơ hội hãy lên trình bày và tập cách bảo vệ ý kiến của mình. Các bạn cần chuẩn bị kỹ những nội dung mình cần nói, đặt ra trong đầu những câu hỏi có thể bị hỏi và cố gắng giải quyết chúng. Khi trình bày, các bạn nên nhìn mọi người và hạn chế nhìn chằm chằm xuống đất hay nhìn trời. Ý tưởng hay Project của bạn được mọi người thích thú và hưởng ứng nhiều hơn 1 phần là nhờ khả năng trình bày của bạn. Trên là những việc mà một lập trình viên sẽ làm ngoài việc viết code. Mong rằng các bạn chuẩn bị trở thành lập trình viên hoặc các bạn cấp 3 có định hướng theo nghề lập trình có thể hiểu rõ hơn về nghề này. Vậy thôi nhưng thực tế sẽ có nhiều công viên nhỏ nhặt nữa và lập trình viên là một nghề cũng khá vất vả. Nếu bạn cố gắng rèn luyện kiến thức và kỹ năng tốt từ khi còn là học sinh cấp 3, bạn sẽ thích nghi tốt với môi trường làm việc sau này. Chúc các bạn thành công! Một số bài viết cùng chủ đề Trở thành lập trình viên từ cấp 3 có khó? Một ngày của học sinh du học ngành Computer Science thế nào?