post
Giáo dục
Sự nghiệp
794

Áp lực học tập là gì? Chúng có ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

Áp lực học tập ở trẻ em ngày càng trở thành một vấn đề đáng quan ngại trong xã hội hiện đại. Việc phải chịu những áp lực về thành tích, điểm số trong thời gian dài không chỉ gây căng thẳng mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và phát triển toàn diện của trẻ. Bài viết dưới đây của MindX sẽ đi vào nguyên nhân của tình trạng này và đưa ra một số lời khuyên cho cha mẹ để giúp trẻ giảm bớt áp lực học đường.

Áp lực học tập là gì?

Áp lực học tập là trạng thái tâm lý mà người học phải đối mặt khi cảm thấy có sức áp đặt hoặc yêu cầu cao đối với khả năng học tập và thành tích của họ. Nó xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau như: áp lực từ bản thân muốn đạt được kết quả cao, áp lực từ gia đình hoặc xã hội muốn đạt thành tích xuất sắc, hoặc áp lực từ môi trường học tập và học vấn khắt khe. Áp lực học tập có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của người học, đặc biệt khi nó trở nên quá lớn và không thể kiểm soát được.

 

Dẫn chứng là trong năm 2022, khoa Khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội (từ lớp 6 đến lớp 9) cho thấy các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỷ lệ 38%, tiếp theo là stress với 33% và trầm cảm là 26,1%. Các bác sĩ cho biết nguyên nhân chính dẫn đến đau đầu, mất ngủ, rối loạn lo âu ở học sinh, sinh viên là áp lực học tập (Nguồn: VnExpress).


 

ap-luc-hoc-tap-la-gi.jpg
Khái niệm áp lực học tập

Nguyên nhân gây ra áp lực học tập

Có nhiều nguyên nhân gây ra áp lực học tập, bao gồm:

  • Áp lực từ gia đình: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra áp lực học tập. Nhiều cha mẹ đặt nặng thành tích học tập của con cái, khiến trẻ cảm thấy áp lực khi phải nỗ lực hết sức để đạt được những kỳ vọng từ cha mẹ.
  • Áp lực từ xã hội: Xã hội cũng đóng góp một phần lớn vào áp lực học tập. Các tiêu chuẩn xã hội về hình tượng “con ngoan, trò giỏi” hay “con nhà người ta” có thể đè nặng lên tâm lý của trẻ.
  • Áp lực từ bản thân: Trẻ có thể tự đặt áp lực cho bản thân vì không muốn thua kém bạn bè hoặc đặt ra những yêu cầu cao hơn so với khả năng của mình.
  • Căng thẳng: Căng thẳng là một trạng thái tâm lý bình thường của con người. Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên học tập với tinh thần căng thẳng có thể dẫn đến áp lực học tập.
  • Mất hứng học tập: Khi học sinh mất hứng học tập, trẻ sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi và khó tiếp thu kiến thức. Điều này có thể dẫn đến áp lực học tập.
  • Khó khăn trong học tập: Nếu gặp khó khăn trong học tập, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, thất vọng, thành tích ở trường sụt giảm dẫn đến áp lực học tập.
  • Rối loạn tâm lý: Một số rối loạn tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu cũng có thể gây ra áp lực học tập.
  • Chương trình học dày đặc: Chương trình học dày đặc cùng với những kỳ thi tuyển sinh cạnh tranh khốc liệt khiến trẻ cảm thấy phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần để theo kịp tiến độ học tập trên trường lớp.
     

nguyen-nhan-gay-ra-ap-luc-hoc-tap.jpg

Biểu hiện của áp lực học tập

Các biểu hiện của áp lực học tập có thể được chia thành ba nhóm chính: lo lắng và căng thẳng, trầm cảm và những triệu chứng thể chất.

 

1. Lo lắng và căng thẳng

Lo lắng và căng thẳng là những biểu hiện phổ biến nhất của áp lực học tập. Trẻ em ngày nay, đặc biệt là trẻ ở những thành phố lớn thường phải đối mặt với sự kỳ vọng lớn từ gia đình và xã hội về điểm số, thứ hạng,... Trẻ có thể cảm thấy bồn chồn, khó ngồi yên, khó tập trung vào học tập hoặc các hoạt động khác.

 

Khi bị áp lực học tập đè nén lâu ngày, trẻ dễ trở nên cáu gắt, bực bội với mọi người xung quanh, kể cả bạn bè, gia đình. Khi đối mặt với những tình huống nhạy cảm, trẻ khó kiểm soát cảm xúc của mình, dễ bị kích động hoặc sa sút về tinh thần.

 

Không chỉ vậy, trẻ còn gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, giải quyết vấn đề hoặc làm bài tập. Học sinh có thể cảm thấy học bài khó hơn, không thể nhớ bài lâu hoặc thường xuyên mắc sai lầm khi làm bài tập.
 

hau-qua-tiem-an-tu-ap-luc-hoc-tap-cua-tre-03.jpg

 

2. Trầm cảm

Áp lực học tập quá mức có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm ở trẻ em. Các con có thể cảm thấy mất đi sự hứng thú, cảm thấy buồn chán và không còn muốn nỗ lực học tập. Trẻ có thể gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ hoặc thức dậy giữa đêm. Tình trạng này khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng. Thậm chí luôn trong trạng thái buồn ngủ, khó tỉnh táo, thậm chí có thể ngủ gật trong lớp học hoặc khi đang làm bài tập.

 

Không chỉ vậy, áp lực học tập có thể khiến học sinh tìm đến các tệ nạn như chất kích thích, rượu bia, cờ bạc,... để giải tỏa. Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và xã hội.

 

3. Triệu chứng thể chất

Các biểu hiện thể chất cũng có thể xuất hiện do áp lực học tập. Căng thẳng quá độ sẽ dẫn đến tình trạng đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, ăn ngủ không ngon và thậm chí là gặp các vấn đề về tiêu hóa. Lâu dài có thể dẫn tới suy nhược cơ thể. Những triệu chứng này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự ảnh hưởng tiêu cực của áp lực học tập lên sức khỏe thể chất của trẻ. 

Cách giải tỏa áp lực học tập

1. Nói chuyện với ai đó để chia sẻ cảm xúc

Học sinh không nên giữ mọi thứ trong lòng mình mà hãy chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và áp lực mà mình đang phải đối mặt với người thân, bạn bè và cả thầy cô giáo. Đây cũng là cách tốt nhất để những người đang gặp vấn đề về tâm lý ổn định cảm xúc của mình.

 

cach-giai-toa-voi-ap-luc-hoc-tap.jpg
 

2. Đặt mục tiêu thực tế cho bản thân

Xác định những mục tiêu hợp lý và thực tế dựa trên khả năng của bản thân là một yếu tố quan trọng để chinh phục bất kỳ thành tích nào. Học sinh nên tập trung vào việc cải thiện từng bước nhỏ một thay vì áp đặt lên mình những mục tiêu quá cao và không khả thi. Điều này giúp trẻ giảm đi áp lực không cần thiết và tiến bộ dần lên từng ngày.

 

3. Nghỉ giải lao khi cảm thấy căng thẳng

Hãy nhớ rằng nghỉ ngơi cũng là một phần quan trọng trong quá trình học tập. Khi cảm thấy căng thẳng, học sinh nên dành thời gian cho việc nghỉ giải lao. Những khoảng nghỉ xen kẽ sau mỗi giờ học hoặc sau khi hoàn thành một nhiệm vụ học tập sẽ giúp các em cảm thấy được thư giãn, giảm căng thẳng và tiếp thu kiến thức tốt hơn.

 

4. Học cách nói không với những mục tiêu vượt sức

Một điều quan trọng không kém trước khi bắt tay thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào là phải cân nhắc với tính khả thi của mục tiêu. Học sinh đừng ngần ngại nói "không" khi cảm thấy mục tiêu đó không phù hợp với tình hình hiện tại của mình. Việc đặt ra mục tiêu phù học tập hợp với khả năng là điều rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình nỗ lực của học sinh.

⇒ Đọc thêm: Lời khuyên cho người bị áp lực học tập: +6 biện pháp giải quyết

Lời khuyên dành cho cha mẹ

Cha mẹ cần nhớ rằng, áp lực học tập có lợi ích giúp con trở nên cố gắng nhiều hơn nhưng cũng có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đến học sinh, cả về thể chất và tinh thần. Do đó, cha mẹ cần có những hành động phù hợp để giúp con giải tỏa áp lực học tập, để con có thể học tập hiệu quả và phát triển toàn diện.

 

Dưới đây là một số lời khuyên dành cho cha mẹ để tránh đặt áp lực học hành lên con:

 

1. Đặt kỳ vọng thực tế

Sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái có thể là nguồn động lực mạnh mẽ, đánh thức tiềm năng vô tận trong tâm hồn của trẻ nhưng cũng có thể trở thành áp lực đè nặng trên hành trình trưởng thành của con. Chính vì vậy, điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất là cha mẹ cần đặt ra kỳ vọng học tập thực trạng với khả năng của con. Việc đặt kỳ vọng quá cao sẽ khiến con cảm thấy áp lực, mệt mỏi và dễ dẫn đến thất bại. 

 

Cha mẹ cần động viên, khuyến khích con học tập, nhưng cũng cần tôn trọng khả năng của con. Thay vì đặt mục tiêu con phải đạt điểm cao trong tất cả các môn học, cha mẹ có thể đặt cho con mục tiêu phấn đấu đạt điểm tốt trong các môn học mà con có khả năng.

 

Ví dụ, nếu trẻ có xu hướng học tốt các môn tự nhiên, phụ huynh có thể đặt kỳ vọng trẻ đạt được mức điểm 9, 10 trong các kỳ kiểm tra. Còn nếu trẻ học chưa thực sự tốt thì kỳ vọng mức điểm khá 7,8 sẽ là phù hợp. Điều quan trọng là cha mẹ nên thường xuyên trao đổi với con và các thầy cô giáo về kết quả học tập của con, để hiểu được khả năng của con và điều chỉnh kỳ vọng cho phù hợp.
 

dat-ky-vong-thuc-te.jpg

 

2. Khuyến khích con làm điều mình muốn

Cha mẹ nên khuyến khích con làm điều mình muốn, không nên ép buộc con học những môn học mà con không thích. Khi được học hỏi, tìm tòi những điều mình hứng thú, trẻ sẽ cảm thấy yêu thích việc học hơn và phát huy được khả năng sáng tạo của mình. Đồng thời đây cũng là cách giúp cha mẹ tạo ra một môi trường tích cực và thoải mái để con cảm thấy được yêu thương và tôn trọng.

 

3. Hỗ trợ con giải tỏa áp lực học tập

Cha mẹ cần dành thời gian lắng nghe con, chia sẻ với con những khó khăn mà con gặp phải trong học tập. Là những người trực tiếp đồng hành cùng con trong cuộc sống hàng ngày, phụ huynh nên giúp con xây dựng kế hoạch học tập khoa học, phù hợp với thời gian và sức khỏe của con. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng, giúp con phát triển thêm các kỹ năng mềm.

 

Mong rằng những thông điệp về áp lực học tập mà MindX chia sẻ trên đây đã giúp học sinh và các vị phụ huynh hiểu hơn về tình trạng này. Chỉ khi được học tập trong một môi trường thoải mái, không bị áp lực, học sinh mới có thể phát huy hết khả năng của mình. Bằng cách tạo ra một môi trường ủng hộ và khích lệ, phụ huynh đang giúp con xây dựng nền tảng vững chắc cho sự thành công và hạnh phúc trong tương lai.

 

Cảm ơn ba mẹ đã đón đọc bài viết và hãy điền email đăng ký nhận bản tin từ MindX để trang bị cho mình các kiến thức nuôi dạy con tốt hơn, giúp con trở thành công dân số trong thời đại công nghệ 4.0 nhé!

Đánh giá bài viết

0

0/5 - 0 lượt bình chọn
Áp lực học tập
Đăng ký nhận bản tin
Đăng ký ngay để nhận tin tức và tài liệu mới nhất về công nghệ