Trong nhiều trường hợp, hai điều này không khác nhau mấy. Ví dụ, bạn muốn đặt ra mục tiêu là tối ưu hóa tỉ lệ chuyển đổi trong một trang đăng kí X%. Nói cách khác, bạn muốn loại bỏ những trở ngại gây khó khăn cho người dùng trong việc đăng kí dịch vụ của bạn. Ở đây, bạn có thể thấy rằng cách diễn đạt rất quan trọng. Giúp người dùng dễ dàng đăng kí so với Tối ưu hóa tỉ lệ chuyển đổi trong các lượt đăng kí. Một cách tiếp cận bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cách tiếp cận còn lại tập trung vào việc giúp cho công ty gặt hái thành công. Các nhà thiết kế thường suy nghĩ và làm việc dựa trên hành vi và thái độ của người tiêu dùng.
Một vài ví dụ khác:
Mỗi nhà thiết kế đều khác nhau. Kể cả trong một nhóm những nhà thiết kế hàng đầu cũng sẽ nghĩ về các vấn đề theo những cách khác nhau. Điều này là do thiết kế bao gồm nhiều thứ như:
Phông chữ, độ tương phản, sự sắp xếp, và kể cả độ bắt mắt của sản phẩm. Mắt bạn có nhìn vào những chỗ cần được để ý không? Các chi tiết nổi bật hay mờ nhạt? Quan trọng hơn, thiết kế này có hệ thống không?
Thiết kế có giúp người dùng dễ dàng hiểu mình cần làm điều X không? Hệ thống điều hướng có tối ưu không? Các hiệu ứng có tạo nên sự hài lòng và làm cho việc sử dụng ứng dụng dễ dàng hơn không?
Thiết kế này có giải quyết được vấn đề cụ thể này không? Sản phẩm được thiết kế có nhiều ứng dụng không? Sản phẩm này có mục tiêu rõ ràng không? Sản phẩm có nhiều giá trị không?
Một số nhà thiết kế rất giỏi trong khâu hình ảnh nhưng không có nhiều kinh nghiệm trong tương tác. Một số thì lại rất giỏi về chiến lược sản phẩm nhưng lại không mạnh về phần triển khai thiết kế. Mỗi mảng của thiết kế đều có những vấn đề cực kì khó, vì vậy việc có những nhà thiết kế phù hợp cho từng mảng là rất quan trọng. Bạn không thể hoán đổi hai nhà thiết kế ở hai vị trí khác nhau và hy vọng đạt được hiệu quả công việc như cũ. Nói chung, bạn cần tất cả những mảng ở trên để có được một thiết kế tối ưu. Nếu bạn chỉ có một nhà thiết kế, thì người đó nên là người có thể làm mọi vị trí thay vì là một chuyên gia ở một lĩnh vực nhưng yếu ở các lĩnh vực khác. Nếu bạn có cả một đội thiết kế thì mới nên có nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau.
Để hiểu rõ điều này hơn, hãy xem một vài ví dụ về cấp độ và trách nhiệm đi kèm:
Nhà thiết kế cấp độ 1: Thiết kế một trang để người dùng chỉnh sửa thông tin cá nhân của mình. Khá là hạn hẹn—giả sử có thông tin cá nhân thì sản phẩm là một trang chỉnh sửa thông tin.
Nhà thiết kế cấp độ 2: Thiết kế giao diện tốt nhất để người dùng chỉnh sửa thông tin cá nhân. Sản phẩm có thể là một trang, một giao diện tương tác tức thời (WYSIWYG), hoặc một cửa sổ phụ.
Nhà thiết kế cấp độ 3 (broad): Thiết kế một hệ thống để chỉnh sửa mọi thứ - thông tin cá nhân, bài đăng, cài đặt, vân vân. Bây giờ chúng ta không chỉ làm về thông tin cá nhân, mà hệ thống chỉnh sửa của ta phải đủ linh hoạt để chạy trên toàn ứng dụng.
Nhà thiết kế cấp độ 3 (deep): Thiết kế một thủ thuật để làm cho người dùng cảm thấy muốn cập nhật thông tin của mình. Ở đây, câu hỏi được cân nhắc là vì sao người dùng nên cập nhật thông tin của họ? Và khi nào? Và làm thế nào để đề xuất đề nghị có lợi nhất?
Nhà thiết kế cấp độ 4: Thiết kế một giải pháp để làm tăng tính xác thực của người dùng trong ứng dụng. Có thể việc chỉnh sửa thông tin thậm chí còn không phải là mục tiêu tốt nhất để đầu tư vào, có thể một hệ thống đánh giá bạn bè là lựa chọn tối ưu hơn.
Nhà thiết kế cấp độ 5: Xác định vấn đề lớn nhất về sản phẩm trong ứng dụng/công ty/trang và thiết kế một giải pháp. Ở cấp độ cao nhất, những nhà thiết kế sẽ điều hướng cho tương lai của sản phẩm.
Nói tóm lại, một nhà thiết kế sẽ có rất nhiều ý tưởng và giải pháp nếu họ cảm thấy mình thực sự có vai trò sâu sắc trong chiến lược và điều hướng sản phẩm. Ngược lại, nếu một nhà thiết kế cao cấp được giao một việc cấp độ thấp (như là thiết kế một trang đơn) nhưng cảm thấy trang này không phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề cụ thể này, thì họ sẽ khá là không hài lòng với việc mà họ đang được giao, và có thể sẽ không làm việc đó với hiệu quả tối ưu. Tình trạng này chính là căn nguyên của nhiều trường hợp giảm sút tinh thần trong mảng thiết: nhà thiết kế càng có nhiều năm kinh nghiệm thì sẽ càng không hài lòng nếu họ không đồng lòng với hướng đi cũng như chiến thuật của sản phẩm.
Một trong những công cụ quan trọng nhất của một nhà thiết kế là những lời bình luận và góp ý từ các nhà thiết kế khác. Nếu một nhà thiết kế chỉ làm việc một mình mà không thảo luận với những người khác thì kết quả công việc của họ sẽ không thể tốt được như khi có cả đội cùng phản ánh thường xuyên. Vì vậy, các nhà thiết kế nên được khuyến khích dành ra nhiều buổi nói chuyện với nhau trong thời kì phát triển dự án (khi vẫn còn hàng đống ý tưởng và các thiết kế thay đổi liên tục) và chỉ ngồi thảo luận với các kĩ sư ở khâu thực hiện dự án (khi những mảng lớn nhất của phần thiết kế đã hình thành và chỉ còn việc áp dụng thiết kế.)
Điều này là bởi vì mục tiêu của nhà thiết kế là một trải nghiệm thực sự - không chỉ ở một phương diện của ứng dụng mà trong cả trải nghiệm, và không chỉ trong một khoảng thời gian đầu mà xuyên suốt cả quá trình. Để lấy ví dụ, chúng ta hãy nói về sự lộn xộn. Hầu hết mọi người đều biết rằng sự lộn xộn làm giảm chất lượng sản phẩm. Nhưng ở ngưỡng nào thì cho thêm một thứ sẽ tạo nên sự lộn xộn? Điều này rất khó xác định. Đồng thời, việc thêm vào một chi tiết nhỏ đó chưa chắc sẽ làm cho người dùng cảm thấy muốn ngừng sử dụng dịch vụ. Nhưng dần dần, những sự thêm thắt này sẽ cộng dồn như sóng biển đánh mòn gờ đá nhọn vậy, và người dùng sẽ nhận ra rằng trang của bạn thực sự lộn xộn. Sau đó một ứng dụng nào đó đơn giản và mới mẻ hơn mà vẫn giải quyết được vấn đề sẽ xuất hiện. Nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn.
Cũng như vậy, nhà thiết kế sẽ cố gắng đạt được sự đồng nhất giữa các phần của ứng dụng hoặc hệ thống. Điều này có vẻ hơi đòi hỏi, vì ở cấp tính năng, nếu khả năng tải ảnh lên đã tối ưu, chẳng phải chỉ thế là đủ sao?
Vấn đề là người dùng không chỉ đăng ảnh. Có thể họ đăng cả một đoạn phim nữa. Và nếu cách họ đăng ảnh và đoạn phim khác nhau và được thiết kế trong những phần tách biệt thì sẽ khá là lộn xộn. Người dùng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tải ảnh và đoạn phim lên. Thử tưởng tượng giao diện File ở mỗi ứng dụng lại khác nhau - lúc thì ở đỉnh trái, khi thì ở đỉnh phải, hay ở dưới, vân vân. Điều này thực sự là một ác mộng.
Đúng là đôi khi khái niệm về sự cân bằng của một nhà thiết kế có thể hơi khác người. Nhà thiết kế thường đánh giá quá cao trải nghiệm của một cá nhân nhưng lại đánh giá thấp trải nghiệm của cả một cộng đồng. Cũng như vậy, các nhà thiết kế có thể thông qua trải nghiệm của chính mình để vạch hướng cho mục tiêu kết quả của mình, trong khi thực sự thì họ không phải là mục tiêu thị trường chính (Tất nhiên, tôi đang nói một cách chung chung - rõ ràng điều này không áp dụng với tất cả các nhà thiết kế.) Nhưng thật sự là khó có thể xác định được những thăng trầm của các chỉ tiêu về số lượng khi thay đổi thiết kế. Những thứ như sự tin tưởng của người dùng, sự dễ hiểu và rõ ràng, sự quen thuộc và sự dễ chịu - những điều này có thể được cải thiện với những cố gắng của nhà thiết kế, nhưng không dễ thống kê.
Bạn có muốn làm mọi người vui không? Hãy hoàn thành một mô hình với mọi chi tiết đều chính xác. Đặt một tiêu chuẩn cao mà không cho phép sự cẩu thả. Bỏ thêm chút công sức để chỉnh sửa một chi tiết nhỏ cho thật hoàn hảo. Hay thức thêm một đêm để thiết kế thêm một tính năng nhỏ gì đó chỉ để làm cho người dùng cảm thấy thích thú hơn. Mọi nhà thiết kế tôi từng gặp đều yêu việc cùng các quản lý sản phẩm và các kĩ sư tạo nên một thiết kế thực sự cao cấp - họ sẵn sàng thức nhiều đêm và dành những ngày cuối tuần để cùng nhau làm ra những điều kì diệu vì mọi người đều tin vào điều này, và mọi người trong nhóm đều muốn tạo nên một thứ gì đó thực sự hữu ích, thực sự tối ưu, thực sự ở một đẳng cấp mới.
Người dịch: Vũ Đình Hưng
Nguồn: medium.com