post
Công nghệ
Giáo dục
5514

STEAM là gì? Ý nghĩa của phương pháp STEAM trong giáo dục

So với sự phát triển của thời đại kỹ thuật số như hiện nay thì các phương pháp giáo dục chưa có những thay đổi mạnh mẽ, đa phần vẫn sử dụng cách thức truyền đạt thông qua các phương pháp giáo dục truyền thống. Chính vì điều này, STEAM đã ra đời với mục đích thay đổi và cải thiện các phương pháp giáo dục trở nên hiện đại, mới mẻ hơn so với không có STEAM (non-STEAM). Vậy STEAM là gì? STEAM mang lại những kết quả như thế nào trong phương pháp giáo dục? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

STEAM là gì?

STEAM là tên tiếng Anh được viết tắt từ 5 bộ môn: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật), Mathematics (Toán học ứng dụng). Tiền thân của phương pháp này là chữ STEM, bao gồm 4 bộ môn nhưng không có Art (Nghệ thuật). Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, bộ môn nghệ thuật đã được thêm vào để mang lại sự đa dạng và tính liên kết tốt hơn giữa các môn học.

 

Phương pháp giáo dục STEAM kết hợp giữa các môn học truyền thống và cùng với các môn học có tính ứng dụng cao, tạo ra sự kết nối giữa lý thuyết song song với việc thực hành nhằm rèn luyện về tư duy giải quyết vấn đề, kích thích khả năng sáng tạo, vận dụng các kỹ năng mềm cho công việc và cuộc sống.

 

STEAM là gì?

 

STEAM hiện nay là phương pháp giáo dục được được đưa vào chương trình đào tạo của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, phương pháp này chưa được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, nhưng với độ hiệu quả cao và tính ứng dụng tốt, STEAM đang trên đà phát triển khi được một số trung tâm giáo dục uy tín đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh.

Phương pháp STEAM giúp trẻ phát triển những kỹ năng gì?

STEAM là phương pháp giáo dục kết hợp đa dạng giữa các môn, vì vậy, trẻ không chỉ được phát triển về kỹ năng chuyên môn mà còn được rèn luyện về những kỹ năng mềm. Việc ứng dụng tốt các kỹ năng sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển tốt hơn trong tương lai.

 

1. Kỹ năng chuyên môn

1.1. Kỹ năng về khoa học

Khoa học bao gồm các môn có tính chất nghiên cứu như Sinh học, Hóa học, Vật lý. Khoa học sẽ giúp trẻ có những nhận thức về bản chất sự vật, sự việc diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Dựa trên những kiến thức này, trẻ sẽ được khơi gợi về tính sáng tạo, tò mò, tích lũy thêm vốn kiến thức để ứng phó với các vấn đề xảy ra xung quanh.

 

1.2. Kỹ năng về công nghệ

Công nghệ đang là xu thế phát triển của thế giới ở hiện tại và cả trong tương lai. Vì vậy, trẻ sẽ được sớm trang bị những kiến thức để tiếp cận với các nền tảng công nghệ số, các trang thiết bị tân tiến,... Sự hiểu biết về công nghệ sẽ giúp trẻ giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả.

 

1.3. Kỹ năng về kỹ thuật

Kỹ thuật là môn học giúp trẻ có những tư duy logic về hệ thống, xây dựng, giải quyết và xử lý vấn đề. Kỹ thuật luôn gắn liền với việc thực hành, nhờ đó trẻ có thể tiếp thu được những kiến thức mới và đúc kết cho mình vốn kinh nghiệm phong phú trong quá trình thực hành.

 

Kỹ năng về kỹ thuật

 

1.4. Kỹ năng về nghệ thuật

So với các môn khác, chú trọng về tư duy logic thì nghệ thuật lại mang ý nghĩa trái ngược hoàn toàn. Nghệ thuật giúp trẻ phát triển về tư duy hình tượng, khuyến khích sự sáng tạo và biểu đạt của trẻ. Mặt khác, các môn về nghệ thuật cũng giúp trẻ đánh thức những tiềm năng và đam mê của mình, thông qua các môn học như mỹ thuật, âm nhạc, vũ đạo,...

 

1.5. Kỹ năng về toán học

Toán học sẽ giúp trẻ phản ứng nhanh nhạy hơn với những con số, vận dụng những công thức, định nghĩa của toán học áp dụng cho các môn học khác.

 

2. Kỹ năng mềm

2.1. Kỹ năng quan sát và phân tích

Trẻ sẽ được rèn luyện về kỹ năng quan sát, tìm kiếm thông tin và đưa ra những phân tích có tính khả quan cao. Mọi sự việc diễn ra đều được trẻ đánh giá qua nhiều góc nhìn khác nhau, nhìn nhận vấn đề một cách có chiều sâu hơn.

 

2.2. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Với các cách thức học tập truyền thống thì kỹ năng giải quyết vấn đề được truyền đạt cho trẻ ở mức hạn chế. Vì vậy, phương pháp STEAM sẽ khuyến khích trẻ tìm hiểu vấn đề, phân tích và đưa ra những hướng giải quyết hợp lý. Đối với các vấn đề gặp phải, trẻ có thể tự tin, bình tĩnh xử lý một cách tốt nhất.

 

Kỹ năng giải quyết vấn đề

 

2.3. Kỹ năng tư duy sáng tạo

Với chương trình học tập đa dạng, trẻ có thể thỏa sức bay bỏng với những ý tưởng sáng tạo, tự tìm tòi và khám phá các kiến thức của mọi ngành. Trẻ sẽ được khuyến khích thể hiện cá tính riêng, những suy nghĩ độc đáo của mình trong quá trình học tập và rèn luyện.

 

2.4. Kỹ năng làm việc nhóm

Làm việc nhóm giúp trẻ có thể trao đổi ý kiến, chia sẻ ý tưởng và xây dựng tinh thần hợp tác để hoàn thành mục đích chung. Nhờ vào đó, trẻ sẽ rèn luyện về khả năng giao tiếp với mọi người, lắng nghe những ý kiến đóng góp, nâng cao về ý thức trách nhiệm.

Lợi ích của phương pháp giáo dục STEAM

Những lợi ích STEAM điều hướng đến việc xây dựng nền tảng và thay đổi tư duy của trẻ, tạo ra nhiều lợi thế về kiến thức hơn so với các bạn đồng trang lứa. Dưới đây là một số lợi ích nổi bật của phương pháp giáo dục STEAM:

 

1. Khám phá đa ngành

Với phương pháp STEAM, trẻ có cơ hội tiếp cận với nhiều môn đặc trưng cho nhiều ngành nghề khác nhau trong tương lai. Sau quá trình học tập, trẻ có thể nhận thức được đam mê, sở thích đặc biệt với một ngành nhất định. Điều này còn giúp trẻ nâng cao sự hiểu biết của mình một cách toàn diện hơn.

 

2. Tạo ra sự hứng thú trong quá trình học tập

Phương pháp STEAM tạo ra môi trường học tập vừa đa dạng, vừa linh động, kết hợp nhiều môn học song song với việc giảng dạy lý thuyết lẫn hướng dẫn thực hành. Chính vì điều này, trẻ sẽ có thêm động lực và sự hứng thú trong quá trình học tập, không cảm thấy nhàm chán như các phương pháp giáo dục truyền thống.

 

Tạo ra sự hứng thú trong quá trình học tập

 

3. Tiếp thu kiến thức song song thực hành

Sau khi tiếp thu những kiến thức nền tảng về nguyên lý và định nghĩa của sự vật, sự việc, trẻ sẽ được thực hành thông qua các hoạt động thực tế được tổ chức trong chương trình dạy học STEAM. Được tiếp cận với các trải nghiệm thực tế sẽ giúp trẻ hiểu sâu và nhớ lâu hơn đối với các vấn đề, mang lại cảm giác hứng thú hơn trong quá trình học tập của trẻ.

 

4. Chuẩn bị hành trang tương lai

Với vốn tích lũy kiến thức từ các bộ môn của STEAM, trẻ sẽ có những nền tảng kỹ năng cần thiết và tư duy chuyên môn cho các ngành học sau này. Đây là một sự chuẩn bị vô cùng chất lượng để giúp trẻ có những bước phát triển nhanh và bền bỉ hơn cho định hướng tương lai.

 

5. Vượt qua giới hạn

Trong chương trình học tập STEAM, trẻ sẽ được tham gia vào các dự án có sự phân cấp khác nhau, từ dễ đến khó. Trong quá trình thực hiện, trẻ sẽ gặp không ít những vấn đề tiêu cực, nhưng đây cũng là mục tiêu STEAM muốn hướng đến nhằm rèn luyện cho trẻ về sự kiên trì, chăm chỉ và tự tin đối mặt với những khó khăn, thất bại.

 

Có thể STEAM hiện chưa được ứng dụng phổ biến, nhưng trong tương lai, đây sẽ là xu hướng giúp thay đổi về phương pháp giáo dục của hiện tại, nhờ vào tính ứng dụng hiệu quả dành cho trẻ. Bài viết này đã cung cấp cho bạn phần nào những thông tin quan trọng về STEAM, nếu thấy bài viết hữu ích, đừng quên chia sẻ để mọi người cùng biết nhé!

Đánh giá bài viết

0

0/5 - 0 lượt bình chọn